Người bệnh vảy nến cần thay đổi lối sống như thế nào?

Vảy nến là bệnh lý viêm da mạn tính. Tương tự các bệnh lý mạn tính khác như tăng huyết áp, đái tháo đường,… người bệnh vảy nến cần thay đổi lối sống có lợi giúp thuyên giảm bệnh. Thay đổi lối sống để có lợi cho bệnh vảy nến có thể được tóm tắt thành 3 gia tăng, 2 kiểm soát, 1 từ bỏ, cụ thể trong bài viết dưới đây.

Gia tăng hoạt động thể dục

Tập thể dục giúp giảm cân, giảm nguy cơ bệnh đồng mắc (tim mạch, tăng huyết áp, béo phì,…) và cải thiện sức khỏe tinh thần (giảm stress, lo âu, trầm cảm,…).[1]

Người bệnh vảy nến được khuyến cáo tập luyện thể dục theo lứa tuổi và điều kiện về sức khỏe. Theo Hướng dẫn Hoạt động thể chất, một người bình thường nên hoạt động thể dục vừa phải (như đi bộ nhanh, đạp xe hay bơi lội) ít nhất 30 phút/ngày trong 5 ngày/tuần và tập luyện sức cơ ít nhất 1 set (12 đến 15 lần) trong 2 lần/tuần.[2]

Gia tăng các hoạt động tinh thần

Bệnh vảy nến có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần. Ngược lại, sức khỏe tinh thần kém cũng có ảnh hưởng đến sự nghiêm trọng của vảy nến. Người bệnh vảy nến có nguy cơ cao mắc đồng thời các bệnh rối loạn lo âu và trầm cảm.[3]

Tăng các hoạt động có lợi cho tinh thần, như thiền định, yoga, tăng cường các hoạt động xã hội, gặp gỡ người thân và các hoạt động giao tiếp được xem là có lợi cho bệnh nhân vảy nến.[3]

Các hoạt động tinh thần như thiền định, yoga,... được xem là có lợi cho bệnh nhân vảy nến
Các hoạt động tinh thần như thiền định, yoga,… được xem là có lợi cho bệnh nhân vảy nến

Gia tăng kiểm tra sức khỏe

Một lối sống lành mạnh không thể thiếu sự quan tâm đối với sức khỏe. Người bệnh vảy nến được khuyến cáo thường xuyên đi khám để phát hiện và kiểm soát sớm các bệnh lý đồng mắc, như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, béo phì, rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ, viêm khớp vảy nến, các bệnh lý viêm ruột, rối loạn lo âu, trầm cảm,…[1]

Kiểm soát cân nặng

Thừa cân – béo phì có tác động xấu đến mức độ nghiêm trọng của vảy nến, gây thêm các bệnh đồng mắc khác, ảnh hưởng khớp và làm giảm hiệu quả điều trị. Người bệnh vảy nến nên kiểm soát cân nặng với một chế độ ăn và tập luyện hợp lý.[1]

Chế độ ăn có lợi sẽ giàu chất xơ, đa dạng về thành phần, cân bằng về năng lượng, ít thịt đỏ (thịt heo, thịt bò, thịt dê, thịt cừu,…). Người bệnh vảy nến được khuyên bổ sung đủ chất khoáng, vitamin, chất béo không bão hòa (như omega 3, 6, 9); hạn chế các loại đường tinh luyện, chất béo trans-fat trong dầu chiên nhiều lần và thức ăn giàu chất béo giàu cholesterol (da, tạng động vật,…).[4]

Giữ cân nặng khỏe mạnh giảm nguy cơ mắc các bệnh đồng mắc, vấn đề về khớp ở người bệnh vảy nến
Giữ cân nặng khỏe mạnh giảm nguy cơ mắc các bệnh đồng mắc, vấn đề về khớp ở người bệnh vảy nến

Kiểm soát mức độ sử dụng rượu bia

Rượu bia có thể làm nặng vảy nến, và ngược lại, vảy nến làm tăng nguy cơ nghiện rượu bia. Rượu bia có thể gây hại cho gan, như: tăng men gan, viêm gan, xơ gan hay ung thư gan và từ đó làm hạn chế lựa chọn thuốc trị vảy nến. Ngoài ra, rượu bia khiến người bệnh khó ổn định cân nặng, đường huyết và huyết áp. Điều này tác động xấu đến bệnh đồng mắc của vảy nến.[5]

Theo Hướng dẫn Dinh dưỡng năm 2020 – 2025, nam giới không nên dùng quá 2 lon bia mỗi ngày và nữ giới không nên dùng quá 1 lon bia (hoặc lượng cồn tương đương cho các loại đồ uống cồn khác).[6]

Xem thêm: Bệnh vảy nến: Nên và không nên ăn gì?

Bỏ thuốc lá

Thuốc lá có hại cho sức khỏe, gây ảnh hưởng xấu đến vảy nến, khiến bệnh khó kiểm soát, dễ bùng phát và kém đáp ứng với điều trị hơn. Ngoài ra, hút thuốc lá còn tác động tiêu cực đến các bệnh lý đồng mắc mạn tính khác của vảy nến, như: bệnh tim, bệnh mạch máu, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh viêm ruột, các bệnh ung thư,… Do đó, người bệnh vảy nến được khuyến cáo không hút hoặc bỏ hút thuốc lá.[7]

Người bệnh vảy nến không hút hoặc bỏ hút thuốc lá
Người bệnh vảy nến không hút hoặc bỏ hút thuốc lá

Trên đây là bài viết chi tiết về chủ đề người bệnh vảy nến cần thay đổi lối sống như thế nào. Để chủ động cải thiện tình trạng vảy nến, người bệnh có thể thay đổi lối sống như: bỏ hút thuốc, hạn chế uống rượu, ổn định cân nặng, tâm trạng, tập thể dục, ăn uống lành mạnh,…

VN2312040513