Liệu pháp ánh sáng trong điều trị vảy nến

Liệu pháp ánh sáng (Quang trị liệu) là một trong những lựa chọn đầu tay điều trị vảy nến mức độ trung bình đến nặng. Đây là phương pháp dùng ánh sáng ở một bước sóng nhất định có tác dụng trong việc cải thiện thương tổn vảy nến.

Tác dụng của liệu pháp ánh sáng trong điều trị vảy nến

Với bệnh vảy nến, liệu pháp ánh sáng mang lại các tác dụng:[1]

  • Làm chậm sự tăng trưởng nhanh của tế bào da.
  • Ngăn chặn hệ miễn dịch hoạt động quá mức.
  • Giảm viêm và cho phép lành da.
  • Giảm hoặc loại bỏ ngứa.
Liệu pháp ánh sáng trong điều trị vảy nến giúp làm chậm sự tăng trưởng nhanh của tế bào da ở người bệnh
Liệu pháp ánh sáng trong điều trị vảy nến giúp làm chậm sự tăng trưởng nhanh của tế bào da ở người bệnh

Tính an toàn và hiệu quả của liệu pháp ánh sáng

Người bệnh vảy nến có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp quang trị liệu khác nhau như UVB phổ rộng, UVB phổ hẹp, PUVA…[2] Trong các phương pháp trên, UVB phổ hẹp tương đối hiệu quả và an toàn. Phương pháp này có thể được chỉ định ở trẻ em, phụ nữ mang thai, cho con bú hay người bệnh có hệ miễn dịch yếu hoặc nhiễm trùng đang diễn tiến. Trong đó, laser excimer – một loại quang trị liệu UVB phổ hẹp an toàn khi điều trị cho trẻ em và người lớn bị vảy nến da đầu, tai, nách, bẹn hoặc mông, khuỷu, gối.[1]

Quang trị liệu có thể hiệu quả trong điều trị:[1]

  • Những vùng vảy nến mảng, dày, khó trị.
  • Vảy nến ở lòng bàn tay bàn chân mạn tính.
  • Vảy nến mảng rộng.
  • Vảy nến móng.
  • Vảy nến da đầu.
Quang trị liệu có thể hiệu quả trong vảy nến móng, vảy nến da đầu, vảy nến mảng rộng, vảy nến lòng bàn tay, lòng bàn chân,...
Quang trị liệu có thể hiệu quả trong vảy nến móng, vảy nến da đầu, vảy nến mảng rộng, vảy nến lòng bàn tay, lòng bàn chân,…

Chống chỉ định khi điều trị bằng liệu pháp ánh sáng

Liệu pháp ánh sáng trong điều trị vảy nến mặc dù khá hiệu quả và an toàn, tuy nhiên, phương pháp này cũng có một số chống chỉ định nhất định, như:[1]

  • Người bệnh bị melanoma hoặc ung thư da.
  • Những rối loạn di truyền làm tăng nguy cơ ung thư da như hội chứng Gorlin hoặc bệnh khô da sắc tố.
  • Bệnh da tăng nhạy cảm ánh sáng như lupus hoặc porphyria.
  • Người bệnh đang sử dụng các thuốc gây nhạy cảm với ánh sáng như kháng sinh, lợi tiểu, kháng nấm.

Phương pháp điều trị

Liệu pháp ánh sáng thường được điều trị tại các cơ sở y tế. Để điều trị hiệu quả, đa số người bệnh cần điều trị 2 -3 lần/tuần trong vài tuần. Trong một số trường hợp, có thể cần điều trị đến 5 lần/tuần. Có nhiều loại liệu pháp ánh sáng khác nhau như:[1]

  • UVB phổ hẹp hay phổ rộng: có một nguồn sáng chiếu xuyên qua da người bệnh ở trong buồng kín.
  • Laser excimer: bác sĩ dùng laser cường độ cao tác động vào vùng thương tổn vảy nến.
  • PUVA phối hợp thuốc thoa: người bệnh được ngâm hoặc thoa nước chứa psoralen. Loại thuốc này làm da nhạy cảm hơn với tia cực tím. Sau khi ngâm hoặc thoa xong, người bệnh được chiếu với tia UVA.
  • PUVA phối hợp thuốc uống: người bệnh uống viên psoralen, chờ 45-60 phút, sau đó chiếu tia UVA.
  • Điều trị tại nhà: hiện nay, có một số thiết bị quang trị liệu cầm tay, người bệnh có thể sử dụng tại nhà, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ về tính an toàn và hiệu quả của các loại máy này trước khi sử dụng. Phương pháp này có thể hữu ích trong các đợt điều trị cơn bùng phát và duy trì.

Tác dụng phụ của liệu pháp ánh sáng trong điều trị vảy nến

Mặc dù liệu pháp ánh sáng được xem như an toàn, một số tác dụng phụ vẫn có thể xảy ra.[1]

Các tác dụng phụ có thể xảy ra ngay sau khi điều trị bao gồm:[1]

  • Phản ứng bỏng nắng (đỏ hay căng da).
  • Châm chích nhẹ.
  • Chấm đen trên da (thường ở những người có da sậm màu).
  • Ngứa.
  • Bóng nước (hiếm gặp).
  • Bỏng (hiếm gặp).

Lưu ý: sau mỗi lần điều trị, da người bệnh sẽ hơi đỏ, hồng nhẹ và đây là phản ứng bình thường chứ không phải tác dụng phụ.[1]

Các tác dụng phụ dài hạn:[1]

  • Tàn nhang.
  • Lão hóa da sớm.
  • Tăng nguy cơ ung thư da.

Dưới sự kiểm soát của bác sĩ da liễu, các tác dụng phụ dài hạn này có thể kiểm soát được.

Cần thảo luận với bác sĩ trong quá trình điều trị

Bác sĩ sẽ thăm khám sau vài lần sử dụng liệu pháp ánh sáng trong điều trị vảy nến, thường từ 4-6 lần đầu. Những lần thăm khám này rất cần thiết để đánh giá hiệu quả cũng như tác dụng phụ, vì vậy hãy đến khám đầy đủ.[1]

Trong những lần khám với bác sĩ da liễu, bạn nên báo với cho bác sĩ về:[1]

  • Tác dụng phụ.
  • Bệnh nặng hơn sau khi dùng quang trị liệu.
  • Bỏ sót > 2 lần điều trị. Các nghiên cứu cho thấy thương tổn da chỉ cải thiện rõ ràng khi chiếu 2-5 lần/tuần.

VN2310265138