Làm thế nào để phòng tránh các yếu tố khởi phát và làm tăng nặng bệnh vảy nến?

Trong sinh bệnh học của vảy nến, yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng khởi phát hoặc làm nặng hơn bệnh vảy nến. Các yếu tố khởi phát này khác nhau giữa từng người bệnh. Tìm hiểu về các yếu tố khởi phát và học cách phòng ngừa giúp kiểm soát bệnh tốt hơn và hạn chế các đợt bùng phát.

Các yếu tố khởi phát bệnh vảy nến
Các yếu tố khởi phát bệnh vảy nến

Kiểm soát stress

31-88% người bệnh khởi phát vảy nến sau khi bị stress. Đây là một trong những yếu tố khởi phát thường gặp nhất.[1]

Để giảm nguy cơ bùng phát do stress, người bệnh cần:[2]

  • Tìm cách kiểm soát stress và thực hiện thường xuyên ngay cả khi bạn thấy ổn. Những cách giảm stress bao gồm tập yoga, thiền, và tham gia vào các câu lạc bộ hỗ trợ.
  • Mỗi tối trước khi đi ngủ, hãy viết 3 điều mà bạn thấy hạnh phúc trong ngày.
  • Khi bạn bắt đầu cảm thấy stress, hít thật sâu, nín thở và thở ra nhẹ nhàng.
  • Hãy làm theo những lời khuyên của bác sĩ để giảm stress và trao đổi với bác sĩ khi bạn cảm thấy mất cân bằng trong cuộc sống.
4 cách kiểm soát stress
4 cách giúp người bệnh vảy nến kiểm soát stress

Chấn thương cơ học

Đa số người bệnh có thể bị bùng phát vảy nến tại vị trí tổn thương của da sau khoảng 10-14 ngày. Thương tổn thường xảy ra sau khi da bị cắt, cào, bỏng nắng, cạo, tiếp xúc với hoa thường xuân độc, bầm, hay côn trùng cắn…[2]

Để giảm nguy cơ bùng phát sau tổn thương da, người bệnh cần:[2]

  • Nếu da bị tổn thương, phải điều trị ngay lập tức
  • Nếu da ngứa, hãy giảm triệu chứng bằng các loại thuốc uống, thuốc thoa và dưỡng ẩm.
  • Tránh cào gãi vì có thể gây tổn thương da và bùng phát bệnh.
  • Tránh bị côn trùng đốt bằng cách dùng các thuốc đuổi côn trùng, hạn chế đến nơi cây cối rậm rạp, vùng ao tù, nơi vệ sinh kém.

Uống rượu bia

Thói quen uống rượu bia hàng ngày hoặc quá thường xuyên sẽ làm cho điều trị kém hiệu quả và dễ tái phát bệnh.[2]

Để giảm nguy cơ bùng phát do uống rượu bia, người bệnh cần:[2]

  • Ngưng uống rượu bia
  • Nếu bạn tiếp tục uống, hạn chế tối đa lượng rượu bia mỗi ngày. Phụ nữ chỉ nên uống 1 đơn vị cồn tiêu chuẩn/ngày. Nam giới nên hạn chế ≤ 2 đơn vị cồn tiêu chuẩn/ngày (1 đơn vị cồn tiêu chuẩn: 1 lon bia 5o dung tích 350 ml hoặc 1 ly rượu vang 12o dung tích 148 ml hoặc 1 ly whiskey, rum, tequila, vodka 40o dung tích 45ml)
  • Tư vấn bác sĩ tâm lý nếu bạn mắc chứng nghiện rượu bia

Hút thuốc lá

Hút thuốc lá hoặc ở gần người hút thuốc có thể là nguyên nhân khởi phát hoặc làm nặng hơn tình trạng vảy nến.[2]

Để giảm nguy cơ bùng phát do hút thuốc, người bệnh cần:[2]

  • Ngưng hút thuốc. Hãy trao đổi với bác sĩ để được trợ giúp.
  • Nếu không thể ngưng hút thuốc ngay lập tức, hãy giảm dần số lượng thuốc hút.
  • Tránh ở gần những người hút thuốc.

Thời tiết khô, lạnh

Nếu tình trạng bệnh vảy nến xấu hơn khi nhiệt độ hoặc độ ẩm giảm, như vào mùa đông hoặc mùa thu, đây có thể là yếu tố khởi phát, bùng phát bệnh của bạn.[2]

Để giảm nguy cơ bùng phát do thời tiết khô, lạnh, người bệnh cần:[2]

  • Tắm dưới 10 phút và dùng nước ấm. Ngay sau khi tắm, sử dụng dưỡng ẩm dạng dầu hoặc kem (tốt hơn so với dạng lotion), không hương liệu.
  • Dùng sữa rửa mặt dưỡng ẩm, mềm mại thay cho xà phòng.
  • Thoa kem dưỡng ẩm cả ngày khi da khô.
  • Dùng máy giữ ẩm khi không khí trong nhà hanh khô.
  • Giữ ấm và bảo vệ da bằng cách mang nón, găng tay, giày chống nước, và áo khoác.
  • Cởi bỏ quần áo và giầy vớ ẩm khi bạn vào nhà.
  • Nếu bệnh vảy nến tiếp tục nặng hơn, hãy đến khám và tham vấn các phương pháp điều trị từ bác sĩ da liễu.

Ánh nắng, thời tiết ấm

Khi trời ấm, bệnh vảy nến vẫn có thể bùng phát nếu:[2]

  • Bị bỏng nắng.
  • Dùng điều hòa quá lâu.

Để giảm nguy cơ bùng phát trong thời tiết ấm, người bệnh cần:[2]

  • Dưỡng ẩm ngay sau khi tắm nếu ở lâu trong phòng có điều hòa.
  • Dùng máy giữ ẩm cả ngày nếu da vẫn khô sau khi ở phòng có điều hòa.
  • Sử dụng kem chống nắng để phòng ngừa bỏng nắng. Chọn loại kem chống nắng phổ rộng, SPF 30 trở lên và kháng nước.

Nhiễm trùng

Bệnh vảy nến có thể bùng phát sau 2-6 tuần bị viêm họng, viêm tai, viêm phế quản hoặc các nhiễm trùng khác. Điều này thường thấy ở trẻ em.[2]

Để giảm nguy cơ bùng phát do nhiễm trùng, người bệnh cần:[2]

  • Điều trị các tình trạng nhiễm trùng càng sớm càng tốt.
  • Nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
  • Nếu bạn có các tình trạng nhiễm trùng mạn tính như HIV, viêm gan B, C cần phải báo cho các bác sĩ biết.

Thuốc

Một số loại thuốc có thể gây khởi phát hoặc làm nặng lên tình trạng vảy nến như lithium, thuốc kháng sốt rét, một số thuốc điều trị tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim, một số thuốc trị viêm khớp, ngưng đột ngột corticoid mạnh như prednisone (thay vì giảm liều dần). Bệnh sẽ thường bùng phát sau 2-3 tuần sử dụng thuốc có nguy cơ.

Để giảm nguy cơ bùng phát do thuốc, người bệnh cần:[2]

  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
  • Hỏi bác sĩ điều trị và sử dụng thuốc thay thế nếu bạn nghi ngờ một loại thuốc nào đó có nguy cơ làm bùng phát bệnh.

Kiểm soát các yếu tố khởi phát bệnh vảy nến khác

Việc xăm mình hoặc cạo râu, cạo lông gây tổn thương da đôi khi có thể làm vảy nến bùng phát sau khoảng 10-14 ngày.[2]

Để giảm nguy cơ bùng phát vảy nến khi xăm, cạo râu, cạo lông, người bệnh cần:[2]

  • Tránh các hình thức xăm trổ lên da.
  • Thảo luận với bác sĩ da liễu nếu bạn muốn xăm. Bác sĩ sẽ có một số biện pháp để giảm nguy cơ bùng phát.
  • Cẩn thận tránh bị cắt vào da khi cạo lông, cạo râu.
  • Dùng dưỡng ẩm và gel cạo râu để giảm nguy cơ cho da.

VN2309204725

Bài viết có liên quan: