Khi nào điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học và điều trị trong bao lâu?

Khi nào điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học? Và sử dụng thuốc sinh học trị vảy nến trong bao lâu? Vì dù thuốc sinh học là phương pháp kiểm soát vảy nến mang lại hiệu quả cao, nhưng không phải trường hợp vảy nến nào cũng được chỉ định thuốc sinh học để kiểm soát bệnh. Hãy cùng tìm hiểu về thời điểm thích hợp sử dụng thuốc sinh học trị vảy nến và thời gian sử dụng qua bài viết của Thạc sĩ Bác sĩ Trần Bá Tòng nhé! 

Bệnh vảy nến và cách kiểm soát bệnh

Bệnh vảy nến là một bệnh viêm da mãn tính qua trung gian tế bào miễn dịch, gây ảnh hưởng đến 2-3% dân số.[1] Vảy nến có nhiều thể bệnh lâm sàng khác nhau như vảy nến mảng, vảy nến mủ, vảy nến giọt, vảy nến đỏ da toàn thân, trong số đó, vảy nến mảng là thể phổ biến nhất, chiếm hơn 80% trường hợp.[2]

Bệnh vảy nến mảng có đặc điểm là mảng hồng ban tróc vảy trắng, giới hạn rõ ở mặt duỗi của tay hoặc chân, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến các vùng kẽ, lòng bàn tay, lòng bàn chân, và móng tay.[2] Bệnh vảy nến ảnh hưởng đến nam giới và phụ nữ như nhau và thường ảnh hưởng đến người lớn nhiều hơn trẻ em.

Vảy nến mảng là loại vảy nến phổ biến nhất
Vảy nến mảng là loại vảy nến phổ biến nhất

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến, nhưng có nhiều phương pháp điều trị giúp kiểm soát hiệu quả tình trạng bệnh. Đối với vảy nến mức độ nhẹ, chỉ ảnh hướng ít hơn 3% diện tích cơ thể, bác sĩ có thể sử dụng thuốc bôi là phương pháp điều trị chính.[3] [4]

Khi bệnh vảy nến ở mức độ nặng hơn hoặc kém đáp ứng với điều trị thuốc bôi đơn thuần, có thể kết hợp các phương pháp khác như quang trị liệu với UVB dải hẹp, điều trị toàn thân cổ điển với các thuốc ức chế miễn dịch uống hoặc dẫn xuất của vitamin A.[4]

Trong số các điều trị hiện có của vảy nến, thuốc sinh học là phương pháp mới nhất và hiệu quả nhất. Khác với những thuốc điều trị cổ điển trước đó, thuốc sinh học có thể nhắm đến một phần hệ miễn dịch chứ không phải toàn bộ hệ miễn dịch. Đồng thời, thuốc sinh học gần như không gây tác dụng phụ lên gan, thận cũng như các cơ quan khác của cơ thể. Tác dụng không mong muốn của thuốc sinh học chủ yếu nhẹ và thoáng qua như nhiễm trùng hô hấp trên, nấm miệng, phản ứng tại vị trí tiêm.[5]

Nhưng không phải lúc nào người bệnh vảy nến cũng được chỉ định dùng thuốc sinh học. Vậy, khi nào điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học là phù hợp nhất?

Khi nào điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học?

Chỉ định thường nhất của thuốc sinh học là vảy nến mức độ trung bình nặng (PASI> 10 hoặc bệnh ảnh hưởng hơn 10% diện tích cơ thể). Bệnh nhân có thể được cân nhắc sử dụng thuốc sinh học trong các trường hợp bệnh vảy nến mức độ nhẹ hơn nhưng thất bại với điều trị cổ điển như thuốc bôi, ức chế miễn dịch, dẫn xuất của vitamin A hoặc chịu tác dụng phụ với các phương pháp điều trị này.[6]

Bệnh nhân còn có thể cân nhắc sử dụng thuốc sinh học khi vảy nến mức độ nhẹ nhưng xuất hiện ở những vùng vị trí nhạy cảm, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống như vị trí sinh dục, lòng bàn tay, bàn chân.

Khi nào điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học?Thuốc sinh học thường được chỉ định cho vảy nến mức độ trung bình nặng
Khi nào điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học?
Thuốc sinh học thường được chỉ định cho vảy nến mức độ trung bình nặng

Sử dụng thuốc sinh học trị vảy nến trong bao lâu?

Ngoài câu hỏi “Khi nào điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học?”, nhiều người bệnh vảy nến còn quan tâm đến thời gian sử dụng phương pháp điều trị này để đạt hiệu quả tối ưu.

Dù thuốc sinh học có thể được xem là cách mạng trong điều trị vảy nến với mức độ an toàn cao và hiệu quả làm sạch sang thương da đã được nhiều nghiên cứu chứng minh, nhưng việc sử dụng thuốc vẫn cần được duy trì liên tục lâu dài. Lý do là vì ngưng thuốc có thể làm cho vảy nến tái phát sau một khoảng thời gian.[7]

Hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học về việc ngưng thuốc sinh học có thể làm nặng tình trạng bệnh vảy nến so với trước khi điều trị. Sau khi ngưng thuốc, điều trị lại với thuốc sinh học vẫn có khả năng mang đến hiệu quả. Tuy nhiên, gián đoạn điều trị nhiều lần với thuốc sinh học có thể làm giảm khả năng đáp ứng với thuốc ở một số bệnh nhân, do hiện tượng tạo ra kháng thể. Đã có nghiên cứu chứng minh việc điều trị liên tục với thuốc sinh học đem lại hiệu quả kiểm soát bệnh tốt hơn việc điều trị khi cần thiết.[7]

Người bệnh vảy nến vẫn cần duy trì tái khám và sử dụng thuốc sinh học để kiểm soát bệnh hiệu quả
Người bệnh vảy nến vẫn cần duy trì tái khám và sử dụng thuốc sinh học để kiểm soát bệnh hiệu quả

Việc duy trì điều trị với thuốc sinh học ngay cả khi sạch sang thương da là rất cần thiết và được khuyến cáo trong nhiều phác đồ điều trị trên thế giới. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tính an toàn và hiệu quả lâu dài của thuốc sinh học. Thuốc không làm tăng nguy cơ ung thư, tử vong và bệnh nhân dùng thuốc sinh học có khả năng giảm các bệnh lý đồng mắc như béo phì, bệnh lý tim mạch – chuyển hóa, vảy nến khớp.[6]

Trên đây là bài viết về vấn đề “Khi nào điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học và điều trị trong bao lâu?”. Thuốc sinh học mang lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị vảy nến và người bệnh cần duy trì sử dụng lâu dài, ngay cả khi sang thương đã sạch hẳn.

Thông tin các nhóm thuốc chỉ có tính chất tham khảo, việc kê toa và sử dụng cần được bác sĩ tư vấn, kê toa.

VN2402023824