Hiệu quả của thuốc sinh học điều trị vảy nến

Hiệu quả của thuốc sinh học điều trị vảy nến có cao không? Làm sao để đánh giá hiệu quả của thuốc sinh học điều trị vảy nến? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Nhật Nguyên nhé!

Vảy nến là một trong những bệnh da viêm mạn tính phổ biến nhất trong da liễu. Có nhiều phương pháp điều trị bệnh vảy nến, trong đó thuốc sinh học là liệu pháp ngày càng phổ biến. Thuốc sinh học có rất nhiều ưu điểm, điển hình nhất là hiệu quả điều trị cao, đặc biệt khi so sánh với các phương pháp như thuốc toàn thân cổ điển hay các loại thuốc bôi.

Hiệu quả của thuốc sinh học điều trị vảy nến qua khả năng giảm diện tích, độ cứng, độ vảy và độ đỏ của sang thương

Hiện tại, ở Việt Nam, có nhiều loại thuốc sinh học điều trị vảy nến đã được Bộ Y tế cấp phép, bao gồm các thuốc nhóm ức chế IL-17*, ức chế IL-12/23*, ức chế IL-23* và ức chế TNF-α*.

Nhìn chung, hiệu quả của thuốc sinh học điều trị vảy nến đều được đánh giá cao. Cụ thể, hiệu quả của thuốc sinh học điều trị vảy nến được đánh giá qua việc thuốc làm giảm diện tích, độ gồ cứng, độ vảy và độ đỏ của tổn thương vảy nến. Các mức độ nặng như trên được bác sĩ ghi nhận và so sánh qua mỗi lần khám dưới dạng chỉ số PASI.[1]

Phần trăm giảm chỉ số PASI được xem như mục tiêu điều trị với PASI 100 (giảm 100% chỉ số PASI) khi bệnh nhân sạch hoàn toàn tổn thương và PASI 90 (giảm 90% chỉ số PASI) khi bệnh nhân sạch 90% tổn thương.[1]

Hình ảnh bệnh nhân đạt PASI 100 khi thuốc sinh học được điều trị tại Bệnh viện Da Liễu
Hình ảnh bệnh nhân đạt PASI 100 khi thuốc sinh học được điều trị tại Bệnh viện Da Liễu

Với nghiên cứu thực tế tại Bệnh viện Da Liễu trong 5 năm sử dụng một thuốc thuộc nhóm ức chế IL-17*, tỷ lệ bệnh nhân đạt PASI 100 là khoảng 57% và PASI 90 là khoảng 80%. Hiệu quả của thuốc sinh học điều trị vảy nến này duy trì ổn định sau 5 năm ở các bệnh nhân tuân thủ tốt.[2]

Một thuốc khác thuộc nhóm IL-12/23* cũng cho thấy sự duy trì ổn định tác dụng sau 5 năm với 60% bệnh nhân đạt PASI 90 và 40% đạt PASI 100.[3] Bằng chứng của một thuốc tương đối mới trong nhóm ức chế IL-23* – cũng cho thấy tỷ lệ đáp ứng cao, khoảng 75% và 55% đạt PASI 90 và PASI 100 sau 3 năm điều trị.[4]

Hiệu quả của thuốc sinh học điều trị vảy nến qua khả năng cải thiện chất lượng cuộc sống

Hiệu quả của thuốc sinh học điều trị vảy nến vẫn có thể đánh giá bằng thước đo khác, đó là khả năng cải thiện chất lượng cuộc sống. Thông thường, các bác sĩ đánh giá chất lượng cuộc sống tại mỗi thời điểm khám bệnh của bệnh nhân bằng thang điểm DLQI.

Hầu hết các thuốc sinh học đều cải thiện chất lượng cuộc sống ở các mức độ khác nhau, nhưng đa số thuốc sẽ cải thiện ít nhất 5 điểm DLQI.[5] Thuốc sinh học làm giảm hiệu quả các triệu chứng, ngăn ngừa một số bệnh đồng mắc và biến chứng như viêm khớp, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường,… nên việc thuốc có khả năng cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân có thể dễ dàng hiểu được.

Khả năng cải thiện chất lượng cuộc sống cũng thể hiện tính hiệu quả của thuốc sinh học điều trị vảy nến
Khả năng cải thiện chất lượng cuộc sống cũng thể hiện tính hiệu quả của thuốc sinh học điều trị vảy nến

Như vậy, thuốc sinh học là liệu pháp mới và hiệu quả trong điều trị bệnh vảy nến. Tuy nhiên, việc lựa chọn một loại thuốc sinh học phù hợp trong thực hành lâm sàng lại không chỉ phụ thuộc vào hiệu quả điều trị. Do đó, bệnh nhân cần tham vấn ý kiến của bác sĩ da liễu để được tư vấn và lựa chọn thuốc sinh học sao cho an toàn, phù hợp nhất với tình trạng bệnh của bản thân mình.

Trên đây là bài viết chi tiết về hiệu quả của thuốc sinh học điều trị vảy nến. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích về bệnh vảy nến nói chung, cũng như hiệu quả của thuốc sinh học điều trị vảy nến nói riêng cho bạn đọc, đặc biệt là cộng đồng bệnh nhân vảy nến.

*Thông tin các nhóm thuốc chỉ có tính chất tham khảo, việc kê toa, sử dụng cần được bác sĩ tư vấn, kê toa

VN2401302875