Mức độ an toàn của thuốc sinh học điều trị vảy nến

Độ an toàn của thuốc sinh học điều trị vảy nến là yếu tố được bác sĩ và người bệnh quan tâm, vì đây là một trong những liệu pháp điều trị vảy nến hiện đại và hiệu quả. Các thuốc sinh học điều trị vảy nến được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam có thể kể đến thuốc nhóm ức chế IL-17*, ức chế IL-12/23* và IL-23*. Vậy các liệu pháp này an toàn đến mức độ nào?

Khi sử dụng thuốc sinh học, các tác dụng phụ thường được ghi nhận ở người bệnh là phản ứng tại vị trí tiêm, viêm kết mạc, đau khớp, triệu chứng giống cảm cúm,… Các tác dụng phụ nặng khi dùng thuốc như bùng phát lao, suy gan, suy thận, sốc phản vệ,… hiếm khi được ghi nhận.[1]

Hầu hết các phản ứng phụ đều được phát hiện và khắc phục khá sớm do quá trình theo dõi sát của bác sĩ đối với bệnh nhân đang điều trị.

Phản ứng tại vị trí tiêm là phản ứng phụ thường được ghi nhận khi tiêm thuốc sinh học
Phản ứng tại vị trí tiêm là phản ứng phụ thường được ghi nhận khi tiêm thuốc sinh học

Cách đánh giá độ an toàn của thuốc sinh học điều trị vảy nến

Để đánh giá mức độ an toàn của thuốc sinh học điều trị vảy nến, đơn vị bệnh nhân-năm được sử dụng. Khi theo dõi càng nhiều bệnh nhân trong càng nhiều năm, thì giá trị bệnh nhân-năm sẽ tăng cao.

Giả sử nghiên cứu theo dõi 100 bệnh nhân trong 5 năm, thì giá trị bệnh nhân-năm sẽ là 500. Nếu trong khi theo dõi, xuất hiện 10 bệnh nhân có tác dụng phụ, thì tỷ lệ xảy ra tác dụng phụ sẽ là 10/500 bệnh nhân-năm, hoặc 2/100 bệnh nhân-năm. Tỷ lệ này càng nhỏ thì độ an toàn của thuốc sinh học điều trị vảy nến càng cao.

Mức độ an toàn của thuốc sinh học điều trị vảy nến được thể hiện qua đơn vị bệnh nhân-năm
Mức độ an toàn của thuốc sinh học điều trị vảy nến được thể hiện qua đơn vị bệnh nhân-năm

Tính an toàn của thuốc sinh học điều trị vảy nến hiện nay

Đối với một thuốc nhóm ức chế IL-23*, thuốc sinh học điều trị vảy nến mới nhất được sử dụng tại Việt Nam, với 7166 bệnh nhân-năm, thử nghiệm thuốc chỉ ghi nhận tỷ lệ xảy ra tác dụng phụ và tác dụng phụ nghiêm trọng lần lượt là 149/100 bệnh nhân-năm và 5/100 bệnh nhân-năm.[2] Tỷ lệ thấp này cho thấy tính an toàn của thuốc sinh học điều trị vảy nến đề cập trên ở mức độ cao.

Với một thuốc nhóm ức chế IL-17* – thuốc sinh học được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, tỷ lệ xảy ra tác dụng phụ và tác dụng phụ nghiêm trọng lần lượt là 225/100 bệnh nhân-năm và 7/100 bệnh nhân-năm.[3] Đây cũng là những tỷ lệ rất thấp và cho thấy thuốc này rất an toàn khi sử dụng điều trị vảy nến.

Nghiên cứu trên thuốc nhóm ức chế IL-12/23* liều 45 mg mỗi 12 tuần, tỷ lệ xảy ra tác dụng phụ và tác dụng phụ nghiêm trọng là 242,6/100 và 7,0/100 bệnh nhân – năm.[4]

Theo nghiên cứu, đa số các loại thuốc sinh học đều đảm bảo độ an toàn khi sử dụng với người bệnh vảy nến
Theo nghiên cứu, đa số các loại thuốc sinh học đều đảm bảo độ an toàn khi sử dụng với người bệnh vảy nến

Để đảm bảo thuốc sinh học có hiệu quả điều trị và tính an toàn cao nhất, trước khi được phổ biến trên thị trường, mỗi loại thuốc sinh học đều phải trải qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng rất nghiêm ngặt để có thể được cấp phép lưu hành. Thậm chí, sau khi được lưu hành, các dữ liệu về hiệu quả và an toàn của thuốc vẫn liên tục được theo dõi sát sao qua các nghiên cứu thế giới thực.

Trên đây là bài viết về độ an toàn của thuốc sinh học điều trị vảy nến. Người bệnh hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa da liễu về tính an toàn của thuốc sinh học điều trị vảy nến trước và trong quá trình sử dụng.

*Thông tin các nhóm thuốc chỉ có tính chất tham khảo, việc kê toa, sử dụng cần được bác sĩ tư vấn, kê toa.

VN2401302875