Những lưu ý quan trọng để kiểm soát thành công bệnh vảy nến

Kiểm soát thành công bệnh vảy nến đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ một số lưu ý trong quá trình điều trị bệnh. Cùng tìm hiểu những lưu ý này qua bài viết của Thạc sĩ Bác sĩ Trần Bá Tòng nhé!

Là bệnh lý viêm da mãn tính qua trung gian tế bào miễn dịch, vảy nến ảnh hưởng đến 2-3% dân số.[1] Trong các thể bệnh lâm sàng, vảy nến mảng là biến thể phổ biến nhất, chiếm hơn 80% trường hợp. Bệnh vảy nến ảnh hưởng đến nam giới và phụ nữ như nhau và thường ảnh hưởng đến người lớn nhiều hơn trẻ em.[2] Hiện nay, dù chưa có phương án điều trị dứt điểm nhưng vảy nến có thể được kiểm soát hiệu quả bởi các phương pháp phù hợp. Và trong quá trình kiểm soát bệnh, bệnh nhân vảy nến cần lưu ý những điểm quan trọng sau để đạt được kết quả tối ưu.

Thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ da liễu – Bước đầu để kiểm soát thành công bệnh vảy nến

Để kiểm soát thành công bệnh vảy nến, điều đầu tiên bệnh nhân cần là được thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ da liễu. Không nên tự ý sử dụng các phương pháp điều trị dân gian như tắm lá cây hoặc uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc với quảng cáo “có thể chữa khỏi hoàn toàn vảy nến”.

Không chỉ thuốc uống, việc tự ý sử dụng các loại thuốc bôi tưởng chừng như vô hại mà không qua kê toa và hướng dẫn của bác sĩ da liễu, có thể làm nặng lên tình trạng bệnh và gây ra những tác dụng phụ như teo da, giãn mạch, giảm sắc tố.[3]

Để kiểm soát thành công bệnh vảy nến, không nên tự ý điều trị vảy nến mà cần liên hệ bác sĩ da liễu để được thăm khám và tư vấn trị liệu
Để kiểm soát thành công bệnh vảy nến, không nên tự ý điều trị vảy nến mà cần liên hệ bác sĩ da liễu để được thăm khám và tư vấn trị liệu

Tuân thủ điều trị, tái khám đúng lịch

Sau khi đã được khám và tư vấn bởi bác sĩ da liễu, việc tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn là rất cần thiết để kiểm soát thành công bệnh vảy nến. Kế hoạch điều trị của mỗi bệnh nhân là khác nhau tùy thuộc mức độ nặng, mức độ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và do đó là không giống nhau ở tất cả bệnh nhân.

Thuốc bôi có thể được sử dụng làm phương pháp điều trị chính ở những trường hợp vảy nến mức độ nhẹ, ảnh hưởng ít hơn 3% diện tích. Đối với trường hợp vảy nến nặng hơn hoặc khi bệnh nhân kém đáp ứng thuốc bôi đơn thuần, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp các phương pháp khác nhau trong quá trình điều trị như quang trị liệu, một số thuốc điều trị toàn thân dạng uống hoặc sử dụng các thuốc sinh học.[4]

Dù y học hiện đại đã có nhiều bước tiến nổi bật, nhưng hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh vảy nến. Do đó, mục tiêu của điều trị là kiểm soát thành công bệnh vảy nến, giúp bệnh nhân có mức độ hoạt động bệnh thấp nhất và ít ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhất. Việc tự ý ngưng thuốc có thể là nguyên nhân đẩy bệnh vảy nến vào tình trạng mất kiểm soát.[4]

Không tự ý ngưng dùng thuốc trong quá trình điều trị vảy nến
Không tự ý ngưng dùng thuốc trong quá trình điều trị vảy nến

Điều chỉnh lối sống phù hợp để kiểm soát thành công bệnh vảy nến

Bên cạnh tuân thủ kế hoạch điều trị và tái khám đúng hẹn, các thay đổi, điều chỉnh lối sống sau cũng góp phần làm cho bệnh vảy nến dễ kiểm soát hơn:[5] [6]

  • Ngưng hút thuốc lá, hạn chế rượu bia và các sản phẩm có cồn.
  • Tập luyện thể dục thể thao.
  • Tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
  • Hạn chế cào gãi. Khi da ngứa nhiều, bên cạnh sử dụng thuốc thoa, người bệnh có thể dùng phương pháp chườm lạnh.
  • Nên kết hợp thoa dưỡng ẩm thường xuyên, nhiều lần trong ngày. Thời điểm phù hợp nhất để thoa dưỡng ẩm là ngay sau khi tắm để giữ lượng nước lâu nhất ở trong da. 
  • Cắt ngắn móng tay.
  • Hạn chế tổn thương da như trầy xước, côn trùng cắn, xăm mình, xỏ lỗ tai. 
  • Hạn chế stress, điều trị sớm các tình trạng nhiễm trùng (viêm họng, viêm tai giữa, viêm phế quản,…).
  • Một vài thuốc có thể làm nặng lên tình trạng vảy nến (ví dụ thuốc điều trị sốt rét, thuốc corticoid đường uống hoặc đường tiêm, thuốc tim mạch hoặc thuốc điều trị viêm khớp). Nếu thuốc là nguyên nhân gây bùng phát vảy nến, bệnh thường nặng lên sau khoảng 2-3 tuần dùng thuốc. Người bệnh cần báo với bác sĩ để tiến hành đổi thuốc điều trị nếu nghi ngờ tình trạng bệnh lên là do thuốc.
  • Nếu da đầu bị ngứa, nên sử dụng sản phẩm dầu gội dịu nhẹ và dầu xả, không nên dùng các sản phẩm chăm sóc tóc chứa cồn và hương liệu.
  • Tránh nắng, mặc dù một vài bệnh nhân vảy nến có thể nhận thấy sang thương da cải thiện khi phơi nắng, như bỏng nắng có thể tăng nguy cơ ung thư da và làm nặng lên tình trạng vảy nến (hiện tượng Koebner).
  • Tham gia vào các hội nhóm giúp đỡ: việc tham gia các hội nhóm vảy nến và nhận được những chia sẻ đồng cảm từ những bệnh nhân khác có thể giúp người bệnh giải tỏa được những lo lắng, cũng như chia sẻ những trải nghiệm trong quá trình điều trị bệnh.
Bỏ thuốc lá và tuân thủ những lưu ý khác để hỗ trợ kiểm soát thành công bệnh vảy nến
Bỏ thuốc lá và tuân thủ những lưu ý khác để hỗ trợ kiểm soát thành công bệnh vảy nến

Trên đây là những lưu ý quan trọng để kiểm soát thành công bệnh vảy nến. Người bệnh cần chú ý thực hiện, cũng như tuân thủ phác đồ điều trị và tái khám đúng lịch để vảy nến được kiểm soát tối ưu.

VN2402023824