Điều trị vảy nến ở trẻ em có khác gì so với điều trị vảy nến ở người lớn? Cần lưu ý những gì khi điều trị vảy nến ở trẻ. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau của Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Kim Ngọc – Khoa Lâm sàng 1 – Bệnh viện Da Liễu TP.HCM nhé!
Vảy nến là một tình trạng viêm da mạn tính, biểu hiện là những mảng da đỏ tróc vảy, rải rác nhiều vị trí trên cơ thể như da đầu, mặt, tay chân, thân mình. Bệnh có thể khởi phát sớm ở trẻ em, bệnh không lây, tuy nhiên sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Dưới đây là những biện pháp điều trị vảy nến ở trẻ em mà bác sĩ có thể chỉ định.
Thuốc bôi điều trị vảy nến ở trẻ em
Bệnh vảy nến ở trẻ em đa số có mức độ nhẹ. Thuốc thoa là phương pháp chủ yếu dùng điều trị điều trị vảy nến ở trẻ em với mức độ bệnh này. Tuy nhiên, một số trẻ có thể mắc vảy nến ở mức trung bình – nặng, cần được điều trị tích cực để hạn chế ảnh hưởng đến việc học tập và vui chơi của trẻ.
Một số thuốc thoa thường được lựa chọn để điều trị cho trẻ em bị vảy nến mức độ nhẹ như dẫn xuất vitamin D, corticosteroid, ức chế miễn dịch,… Tuy là thuốc thoa tại chỗ, song thuốc cần được lựa chọn theo độ tuổi phù hợp, cũng như cần sự theo dõi của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả và an toàn, hạn chế các tác dụng phụ. Bên cạnh đó, việc thoa dưỡng ẩm thường xuyên sẽ giúp da giảm tróc vảy, giảm ngứa, cải thiện hàng rào bảo vệ da cho trẻ.
Điều trị vảy nến ở trẻ em bằng liệu pháp ánh sáng
Liệu pháp ánh sáng như UVB cũng có thể được sử dụng trong điều trị vảy nến cho trẻ em. UVB có thể điều trị vảy nến khu trú hoặc toàn thân, đơn trị liệu hoặc kết hợp với thuốc thoa, thuốc toàn thân để tăng hiệu quả điều trị cho trẻ.
Thuốc toàn thân dạng uống hoặc dạng tiêm
Một số trường hợp trẻ bị vảy nến trung bình – nặng cần được điều trị với các thuốc toàn thân dạng uống hoặc tiêm. Các thuốc uống toàn thân cổ điển như một số thuốc ức chế miễn dịch hay dẫn xuất vitamin A được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định để kiểm soát bệnh vảy nến, và cần được theo dõi bởi bác sĩ trong quá trình điều trị để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Quản lý các yếu tố làm tăng nặng bệnh vảy nến
Một vài yếu tố có thể làm bệnh vảy nến trở nên nặng hơn hoặc khó kiểm soát hơn, như tình trạng béo phì, thừa cân, cào gãi nhiều, căng thẳng tâm lý,… Do đó, trong quá trình điều trị vảy nến ở trẻ em, phụ huynh cũng cần lưu ý và quản lý các yếu tố này để giúp trẻ kiểm soát bệnh tốt hơn.
Nhìn chung, bệnh vảy nến là bệnh mạn tính, với các thương tổn ngoài da dai dẳng, ngứa, có thể khiến trẻ mất ngủ, kém tập trung, mặc cảm, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi cũng như quan hệ bạn bè. Do đó, trẻ bị vảy nến cần được thăm khám và điều trị sớm bởi các bác sĩ da liễu. Việc điều trị vảy nến ở trẻ em hiệu quả và an toàn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bé sinh hoạt, vui chơi và học tập.
Thông tin các nhóm thuốc chỉ có tính chất tham khảo, việc kê toa và sử dụng cần được bác sĩ tư vấn, kê toa.
VN2402023824