Vảy nến móng là một trong những dạng vảy nến khá phổ biến. Bệnh có những phương pháp điều trị nào? Người bệnh cần làm gì để chăm sóc móng đúng cách? Cùng tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây!
Dấu hiệu vảy nến móng
Nếu bạn bị bệnh vảy nến, hãy thường xuyên kiểm tra móng tay và móng chân để tìm dấu hiệu của vảy nến móng. Các dấu hiệu phổ biến bao gồm:[1]
- Những vết lõm nhỏ trên móng (rỗ móng).
- Móng đổi màu trắng, vàng hoặc nâu.
- Móng tay vỡ vụn.
- Ly tách móng.
- Tăng sừng dưới móng.
- Tụ máu dưới móng.
Nếu không điều trị, vảy nến móng có thể trầm trọng hơn. Một số người có thể diễn tiến đến mất móng làm ảnh hưởng khả năng sử dụng bàn tay hoặc đi lại.[1]
Những biến đổi của móng cũng có thể là dấu hiệu của viêm khớp vảy nến. Vì vậy, nếu bạn bị vảy nến móng hãy gặp bác sĩ da liễu để được khám và tư vấn.[1]
Những phương pháp điều trị bệnh vảy nến móng
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh vảy nến móng tùy theo mức độ nặng nhẹ.[1]
Thuốc bôi móng bao gồm các loại sau:[1]
- Corticosteroid loại mạnh hoặc rất mạnh: Hiệu quả cho hầu hết các dấu hiệu và triệu chứng vảy nến móng. Sử dụng một hoặc hai lần một ngày trong chín tháng là an toàn.
- Calcipotriol: Có hiệu quả như một corticosteroid mạnh trong điều trị tăng sừng dưới móng.
- Tazarotene: Phương pháp điều trị này có thể đặc biệt hữu ích để điều trị móng rỗ, móng vỡ vụn và đổi màu.
Tiêm corticosteroid: tiêm trực tiếp vào hoặc gần móng bị vảy nến. Tiêm corticosteroid có thể có hiệu quả để điều trị dày sừng dưới móng, rỗ móng và ly móng.[1]
Điều trị bằng laser: Một số loại laser có thể hiệu quả.[1]
PUVA: Đầu tiên ngâm (hoặc uống) psoralen, sau đó, chiếu tia UVA. PUVA có hiệu quả để điều trị móng đổi màu, móng đang tách ra khỏi ngón và rỗ móng.[1]
Điều trị toàn thân: Nếu bạn bị vảy nến nặng và vảy nến móng, bác sĩ da liễu có thể kê toa thuốc điều trị cả da và móng. Cũng như các phương pháp điều trị khác cho bệnh vảy nến móng, có thể mất vài tháng để thấy kết quả. Thuốc trị vảy nến có thể giúp làm sạch thương tổn da và móng bao gồm:[1]
- Thuốc sinh học.
- Methotrexate.
- Retinoid.
- Cyclosporine.
- Apremilast.
Nhiễm trùng móng cũng cần điều trị:[1]
- Nhiễm trùng móng có thể phát triển nếu bị vảy nến móng. Bởi vì nhiễm trùng móng có thể trông rất giống bệnh vảy nến móng, nên cần phải tìm hiểu xem có bị nhiễm trùng hay không. Xét nghiệm cạo móng, có thể phát hiện tình trạng nhiễm trùng và có thể điều trị khỏi.
- Điều trị vảy nến móng là một thách thức, thường mất nhiều thời gian. Để đạt hiệu quả, cần điều trị theo hướng dẫn, có thể cần thử một vài phương pháp để tìm ra phương pháp hiệu quả nhất.
Chăm sóc vảy nến móng như thế nào?
Khi bạn bị vảy nến móng, việc bảo vệ móng rất quan trọng. Bất cứ yếu tố nào làm khô hoặc gây tổn thương móng đều có thể làm khởi phát hoặc nặng thêm tình trạng vảy nến móng. Như vậy chăm sóc vảy nến móng như thế nào là đúng?
Người bệnh vảy nến móng cần chăm sóc móng như sau:[2]
- Cần cắt ngắn móng. Việc này giúp ngăn ngừa việc móng bị tách rời khỏi phần mô bên dưới các ngón, cũng như hạn chế được tình trạng tăng sừng bên dưới móng.
- Không nên cắt khóe. Cắt phần da vùng khóe có thể làm tổn thương da hoặc nhiễm trùng, gây bùng phát bệnh vảy nến.
- Không nên cạo bỏ lớp dày sừng bên dưới móng làm móng lỏng lẻo, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Nên đeo găng tay khi làm việc nhà. Do các yếu tố gây kích thích móng hoặc vùng da xung quanh có thể làm bùng phát vảy nến móng. Đặc biệt khi làm các công việc tiếp xúc nhiều với xà phòng, hóa chất như giặt đồ, rửa chén bát, tốt nhất nên đeo găng tay vải cotton bên trong và sau đó đeo găng tay nhựa vinyl hoặc nitrile bên ngoài. Găng tay cao su không đủ bảo vệ cho móng tay của bạn.
- Phải giữ ẩm đôi bàn tay. Người vảy nến có tình trạng khô da và móng, vì vậy cần sử dụng kem giữ ẩm sau mỗi lần rửa tay và trong vòng ba phút sau khi tắm. Nên chọn chế phẩm dạng mỡ và bôi dày.
- Tránh cắn móng tay và vùng da xung quanh móng. Điều này cũng có thể làm tổn thương da và tăng nguy cơ nhiễm trùng, dẫn đến bùng phát bệnh vảy nến.
- Không đắp bột làm móng giả vì gây tăng nguy cơ tách móng. Sơn móng tay và giũa bóng móng tay nhẹ nhàng giúp che giấu được các vết lõm móng (rỗ móng tay).
Trên đây là bài viết về điều trị và chăm sóc cho người bệnh vảy nến móng. Việc điều trị cần được bác sĩ da liễu chỉ định dựa trên chẩn đoán cụ thể. Bên cạnh đó, tuân thủ trị liệu và chăm sóc móng đúng cách giúp bảo vệ móng, hạn chế bùng phát và tăng nặng tình trạng bệnh.
Thông tin các nhóm thuốc chỉ có tính chất tham khảo, việc kê toa và sử dụng cần được bác sĩ tư vấn, kê toa.
VN2312040513