Các phương pháp điều trị vảy nến phổ biến hiện nay

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị vảy nến, bao gồm dùng thuốc trị vảy nến (thuốc thoa, thuốc toàn thân cổ điển, thuốc sinh học), quang trị liệu và các biện pháp không dùng thuốc khác.

Thuốc trị vảy nến

Các loại thuốc trị vảy nến thường được sử dụng hiện nay có thể kể đến các loại: thuốc thoa trị vảy nến, thuốc toàn thân và thuốc sinh học – phương pháp mới điều trị bệnh vảy nến.

1. Thuốc thoa* trị vảy nến

Các thuốc bôi tại chỗ giúp điều trị vảy nến ở mức độ nhẹ – trung bình, và phối hợp với các phương pháp khác, giúp hỗ trợ cải thiện triệu chứng ở mức độ nặng hơn.[1]

Lựa chọn dạng chế phẩm thoa có thể giúp hỗ trợ tối ưu trong việc sử dụng và giúp thuốc thâm nhập vào da tốt hơn, tăng hiệu quả điều trị. Có nhiều loại thuốc trị vảy nến dạng thoa bao gồm kem, gel, lotion, dung dịch, bọt, thuốc xịt, dầu gội,…[1]

Các loại thuốc có thể được chỉ định cho từng vùng cơ thể khác nhau. Ở da đầu, nên sử dụng dạng gel hoặc bọt để không bị bết dính như thuốc mỡ và kem. Ở những vùng khác, có thể sử dụng kem vào ban ngày và thuốc mỡ vào ban đêm, vì thuốc mỡ tuy hiệu quả hơn nhưng ít thẩm mỹ. Có thể dùng màng nhựa bao phủ vùng da thoa để tăng sự thâm nhập của thuốc vào da, băng kín giúp giữ nhiệt và độ ẩm, giúp làm mềm da và thuốc có thể thấm vào tốt hơn.[1]

Các loại thuốc thoa* giúp giảm thương tổn vảy nến bao gồm:[1]

  • Acid salicylic.
  • Steroid thoa tại chỗ giúp giảm viêm.
  • Hắc ín.
  • Thuốc nhóm dẫn xuất anthracene
  • Dẫn xuất vitamin D 
  • Dẫn xuất vitamin A 
  • Ức chế calcineurin.

Người bệnh cần tham vấn với bác sĩ Da liễu để sử dụng đúng cách và phù hợp với từng loại thương tổn hay vị trí da bệnh.

Người bệnh cần sử dụng steroid* thoa tại chỗ theo chỉ định của bác sĩ
Người bệnh cần sử dụng steroid* thoa tại chỗ theo chỉ định của bác sĩ

2. Thuốc toàn thân cổ điển[2]

Bên cạnh thuốc trị vảy nến dạng bôi, các loại thuốc toàn thân (thuốc uống) có thể giúp kiểm soát bệnh vảy nến mức độ trung bình – nặng. Tuy nhiên, người bệnh cần có chỉ định của bác sĩ và thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra trước và trong khi dùng thuốc.

Thuốc toàn thân là phương pháp điều trị vảy nến có thể kiểm soát vảy nến mức độ trung bình – nặng
Thuốc toàn thân là phương pháp điều trị vảy nến có thể kiểm soát vảy nến mức độ trung bình – nặng

3. Thuốc sinh học – Phương pháp mới điều trị bệnh vảy nến[3]

Thuốc sinh học được xem là phương pháp mới điều trị bệnh vảy nến, cũng là một trong những phương pháp hiệu quả nhất trong điều trị bệnh. Ngày càng có nhiều thuốc sinh học nhắm trúng đích, mở ra một bước tiến mới trong mục tiêu kiểm soát hoàn toàn thương tổn da, ngăn ngừa diễn tiến viêm khớp vảy nến và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.


Trích livestream Bệnh Viện Da Liễu TPHCM: Bệnh vảy nến – Khi nào điều trị thuốc sinh học

Các thuốc sinh học đang được sử dụng trong điều trị vảy nến bao gồm:

  • Ức chế TNF-α*
  • Ức chế IL-12/23*
  • Ức chế IL-17*
  • Ức chế IL-23*
Thuốc sinh học là thuốc trị vảy nến nhắm trúng đích giúp kiểm soát thương tổn, ngăn ngừa biến chứng
Thuốc sinh học là thuốc trị vảy nến nhắm trúng đích giúp kiểm soát thương tổn, ngăn ngừa biến chứng

Quang trị liệu

Ngoài các loại thuốc trị vảy nến, nhiều người bệnh vảy nến còn biết và quan tâm đến liệu pháp ánh sáng, hay còn gọi là quang trị liệu.

Quang trị liệu, hay liệu pháp ánh sáng, là một trong những lựa chọn đầu tay để điều trị vảy nến trung bình – nặng. Phương pháp này có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với các phương pháp khác.[4]

Các liệu pháp ánh sáng bao gồm:[4]

  • UVB phổ rộng.
  • UVB phổ hẹp.
  • PUVA (UVA phối hợp psoralen).
  • Laser Excimer.

Các phương pháp điều trị vảy nến không dùng thuốc

Bên cạnh quang trị liệu và các thuốc trị vảy nến nêu trên, người bệnh có thể sử dụng thêm các phương pháp không dùng thuốc để hỗ trợ, cải thiện triệu chứng như:[5]

  • Dưỡng ẩm vùng da khô, vảy.
  • Dầu gội đầu.
  • Vật lý trị liệu trong trường hợp viêm khớp vảy nến.

Những lưu ý khi điều trị vảy nến

Để kiểm soát ổn định bệnh vảy nến, người bệnh cần lưu ý:

  • Đây là một quá trình điều trị dài, liên tục.
  • Cần tái khám đều đặn, theo đúng lịch với bác sĩ chuyên khoa Da liễu.
  • Tuân thủ phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh đã được bác sĩ chỉ định.
  • Cần nắm rõ các yếu tố thúc đẩy vảy nến phát triển để phòng tránh bệnh bùng phát.
  • Nếu bệnh nhân đang điều trị đồng thời một bệnh lý khác, cần thông tin đầy đủ với bác sĩ những toa thuốc và những loại thuốc đang dùng. Điều này giúp bác sĩ xem xét tương tác giữa các thuốc và đưa ra chỉ định sử dụng phù hợp, an toàn.

Tóm lại, hiện nay, người bệnh có thể sử dụng thuốc trị vảy nến, quang trị liệu hoặc một số liệu pháp không dùng thuốc khác để điều trị bệnh lý mạn tính này. Người bệnh cần tiến hành thăm khám trực tiếp để được chỉ định các liệu pháp điều trị vảy nến phù hợp nhé!

*Thông tin các nhóm thuốc chỉ có tính chất tham khảo, việc kê toa, sử dụng cần được bác sĩ tư vấn, kê toa

VN2401302875