Điều trị vảy nến ở người lớn tuổi và người có bệnh mắc kèm cần lưu ý gì?

Điều trị vảy nến ở người lớn tuổi gặp nhiều thách thức do làn da mỏng manh, hệ miễn dịch suy giảm theo tự nhiên và các bệnh mắc kèm nhiều hơn làm tăng tác dụng phụ tại chỗ và toàn thân cũng như tăng tương tác thuốc. Vậy, cần lưu ý điều gì khi điều trị vảy nến ở người lớn tuổi và người có bệnh mắc kèm? Bài viết dưới đây của Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Thùy Ái Châu sẽ cung cấp thông tin về vấn đề trên.

Vảy nến là một một bệnh lý da viêm mạn tính, ảnh hưởng 2 – 3% dân số, khởi phát ở mọi lứa tuổi với 2 đỉnh khởi phát bệnh là 15 – 30 tuổi và 50 – 60 tuổi.[1] Theo nhiều nghiên cứu, tuổi thọ con người càng cao thì càng tích lũy nguy cơ mắc bệnh. Khoảng 3 – 13% bệnh nhân khởi phát vảy nến sau 60 tuổi và 15% bệnh nhân cao tuổi mắc vảy nến mức độ trung bình – nặng.[2]

Thuốc thoa tại chỗ điều trị vảy nến ở người lớn tuổi

Bệnh nhân lớn tuổi mắc vảy nến mức độ nhẹ có thể được điều trị bởi các loại thuốc thoa sau: corticosteroid, dẫn xuất vitamin D, dẫn xuất vitamin A.

Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng corticosteroid tại chỗ ở người lớn tuổi để tránh các tác dụng phụ bao gồm: teo da, ban xuất huyết, giãn mạch, nhiễm trùng da thứ phát, hiện tượng dung nạp (lờn thuốc) hoặc hấp thu hệ thống.

Bên cạnh đó, các dấu hiệu cần chú ý và báo với bác sĩ da liễu khi thoa corticosteroid: da mỏng hơn (da trở nên trong suốt hơn), dễ bầm tím, teo da, rạn da, chảy dịch mủ, giãn mạch (mạch máu nổi rõ trên da).[3]

Cần thận trọng khi dùng corticosteroid điều trị vảy nến ở người lớn tuổi để tránh tác dụng phụ
Cần thận trọng khi dùng corticosteroid điều trị vảy nến ở người lớn tuổi để tránh tác dụng phụ

Thuốc điều trị toàn thân

Bệnh nhân lớn tuổi mắc vảy nến mức độ trung bình – nặng thường không được điều trị đúng mức vì e ngại tác dụng phụ. Cần lưu ý đánh giá sự suy giảm chức năng các cơ quan, các bệnh lý mắc kèm, các thuốc đang sử dụng và chống chỉ định trên từng nhóm thuốc cụ thể.[4] [5]

Các loại thuốc toàn thân có thể sử dụng trên bệnh nhân vảy nến lớn tuổi bao gồm: dẫn xuất vitamin A, thuốc ức chế PDE4, thuốc ức chế miễn dịch, các thuốc sinh học (thuốc ức chế TNF-alpha, IL-17, IL-23). Trong đó, các chứng cứ về thuốc ức chế PDE4 và các thuốc sinh học cho thấy hiệu quảan toàn trên bệnh nhân vảy nến lớn tuổi.[4] [5]

Mặt khác, cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trên người lớn tuổi, chỉ sử dụng khi các phương pháp điều trị vảy nến khác không hiệu quả và cần được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa thận.[4] [5]

Quang trị liệu là một phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả trong điều trị vảy nến mức độ vừa và nặng. Có thể điều trị phối hợp quang trị liệu với thuốc toàn thân hoặc thay thế thuốc toàn thân trong trường hợp có chống chỉ định.[4] [5]

Quang trị liệu là phương pháp an toàn và hiệu quả trong điều trị vảy nến ở người lớn tuổi mức độ vừa và nặng
Quang trị liệu là phương pháp an toàn và hiệu quả trong điều trị vảy nến ở người lớn tuổi mức độ vừa và nặng

Điều trị vảy nến ở người có bệnh mắc kèm

Bệnh mắc kèm là một vấn đề quan trọng trong điều trị vảy nến. Các bệnh mắc kèm cần lưu ý bao gồm: hội chứng chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, viêm gan B, lao tiềm ẩn, viêm khớp vảy nến,…[6]

  • Các thuốc có thể khởi phát hoặc làm nặng hơn tình trạng vảy nến như thuốc điều trị tăng huyết áp/suy tim (thuốc ức chế beta, thuốc ức chế men chuyển), kháng viêm non-steroid. Một số thuốc điều trị vảy nến cần tránh sử dụng ở bệnh nhân suy tim nặng (như thuốc ức chế TNF-α).
  • Mối liên quan giữa vảy nến với hội chứng chuyển hóa đã được chứng minh. Bệnh nhân vảy nến có BMI cao đáp ứng điều trị kém hơn bệnh nhân có BMI bình thường. Một số thuốc điều trị vảy nến cần phải được sử dụng liều cao hơn ở bệnh nhân béo phì.
  • Viêm gan B và lao tiềm ẩn có thể bị tái hoạt khi điều trị vảy nến bằng một số thuốc như thuốc ức chế miễn dịch, thuốc sinh học, do đó cần lưu ý tầm soát và điều trị viêm gan B và lao tiềm ẩn ổn định trước khi điều trị.
  • 30% bệnh nhân vảy nến mảng có tổn thương khớp. Đối với bệnh nhân viêm khớp vảy nến, một số phương pháp điều trị nên được ưu tiên để ngăn chặn tiến triển của bệnh.
Một số thuốc điều trị vảy nến cần phải được sử dụng liều cao hơn ở bệnh nhân béo phì
Một số thuốc điều trị vảy nến cần phải được sử dụng liều cao hơn ở bệnh nhân béo phì

Trên đây là bài viết về cách điều trị vảy nến ở người lớn tuổi và người có bệnh mắc kèm. Nhìn chung, bệnh nhân vảy nến cần được theo dõi các triệu chứng, cũng như tầm soát, kiểm soát tốt các bệnh mắc kèm và báo với bác sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng.

Thông tin các nhóm thuốc chỉ có tính chất tham khảo, việc kê toa và sử dụng cần được bác sĩ tư vấn, kê toa.

VN2402023824