Vảy nến là bệnh gì? Nguyên nhân nào gây bệnh? Triệu chứng của bệnh là gì? Chẩn đoán bệnh bằng cách nào? Cùng Bệnh Viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh tìm hiểu tổng quan về vảy nến qua bài viết sau nhé!
Vảy nến là bệnh gì?
Vảy nến (tên tiếng Anh: Psoriasis) là bệnh da viêm mạn tính, hay tái phát, chiếm tỷ lệ khoảng 2-3% dân số, xảy ra khi cơ thể tăng tốc độ sản xuất tế bào da mới chỉ trong vài ngày so với vài tuần như thông thường, từ đó hình thành những mảng da màu đỏ tươi, dày, giới hạn rõ so với vùng da lành kèm tróc vảy dày, khô, hình phiến trắng bạc.[1]
Các dạng vảy nến thường gặp
1. Thể thông thường
Các thể vảy nến thông thường:[2]
- Theo kích thước thương tổn có vảy nến thể chấm hoặc thể giọt (dưới 1 cm), thể đồng tiền (từ 1-3 cm), thể mảng (từ 5-10cm).
- Theo vị trí giải phẫu có vảy nến ở các nếp gấp (vảy nến đảo ngược); vảy nến ở da đầu và ở mặt; vảy nến lòng bàn tay, lòng bàn chân; vảy nến thể móng.
Vảy nến mảng là thể bệnh thường gặp nhất: chiếm 80-90% các trường hợp vảy nến.[3]
Mảng thương tổn vảy nến có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Tuy nhiên, có một số vị trí rất thường gặp như: đầu gối, cùi chỏ, vùng lưng dưới, da đầu.
2. Thể đặc biệt
Các thể vảy nến đặc biệt:[2]
- Vảy nến thể mủ khu trú.
- Vảy nến thể mủ lan toả.
- Viêm da đầu chi liên tục.
- Vảy nến đỏ da toàn thân.
Nguyên nhân bị vảy nến là gì?
Nguyên nhân chính xác gây ra vảy nến đến nay vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, sau hàng thập kỷ nghiên cứu, khoa học đã khẳng định rằng, nguyên nhân chính của bệnh lý này là sự tương tác giữa 3 yếu tố: môi trường – di truyền – miễn dịch.
1. Miễn dịch
Các tế bào T là một phần của hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể bằng cách ngăn ngừa những tác nhân có hại như vi khuẩn, virus.
Trong bệnh vảy nến, do xảy ra tình trạng rối loạn hệ miễn dịch bẩm sinh và mắc phải, những tế bào T này tấn công các tế bào sừng trong da của người bệnh. Điều này khiến tốc độ phát triển của tế bào da tăng nhanh một cách bất thường.
Ở người bệnh vảy nến, các tế bào da chỉ mất 3-4 ngày (bình thường là 28-30 ngày) đã trưởng thành và di chuyển lên bề mặt da, thay vì rơi ra, chúng lại dính với nhau tạo thành thương tổn vảy nến.[4]
Một khi hệ miễn dịch rối loạn, tế bào T tấn công da sẽ tạo ra vòng xoắn bệnh lý diễn tiến lâu dài. Đó là lý do tại sao bệnh vảy nến thường mạn tính và kéo dài suốt đời.[4]
2. Di truyền
Yếu tố di truyền đóng góp 30% vào sinh bệnh học. Khoa học đã tìm ra một số gen nhạy cảm với bệnh. Nghĩa là những người có các gen nhạy cảm sẽ dễ mắc bệnh hơn người khác.[4]
Chính vì có tính chất di truyền, những người có cha mẹ, anh chị em ruột bị bệnh vảy nến thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.[4]
3. Môi trường
Các yếu tố môi trường đóng vai trò khởi phát hoặc làm nặng hơn tình trạng vảy nến của người bệnh. Những yếu tố này bao gồm stress, tổn thương da, nhiễm trùng, một số loại thuốc, hút thuốc lá, uống rượu bia…chúng tôi sẽ đề cập ở phần tiếp theo của chuỗi bài này.[4]
Triệu chứng bệnh vảy nến
1. Thương tổn da
Điển hình là những dát đỏ, giới hạn rõ với da lành, trên dát phủ vảy da dễ bong, sờ mềm, không đau. Vị trí thường ở chỗ tỳ đè, vùng hay bị cọ sát nhiều như khuỷu tay, đầu gối, chỗ bị tổn thương hay vết bỏng, sẹo, vết cào gãi.[2]
Kích thước thương tổn vảy nến thường khác nhau. Đôi khi chỉ là những giọt vài milimet đến những mảng lớn hợp lại to vài chục centimet. Trên các thương tổn thường có triệu chứng ngứa, nếu không điều trị, triệu chứng này có thể nặng hơn. Đôi khi người bệnh còn cảm thấy châm chích, bỏng rát hoặc đau và căng da,…
2. Thương tổn móng
Chiếm khoảng 30-50% tổng số bệnh nhân vảy nến, có thể là những chấm lõm ở mặt móng hoặc những vân ngang; móng mất trong, có những đốm trắng hoặc thành viền màu vàng đồng; bong móng ở đầu móng; dày sừng dưới móng cùng với dày móng và mủn.
Ở vảy nến thể mủ thấy các mụn mủ dưới móng hoặc xung quanh móng.[2]
3. Thương tổn khớp
Chiếm khoảng 10-20% tổng số bệnh nhân vảy nến. Biểu hiện là đau các khớp, hạn chế vận động, viêm khớp cột sống vảy nến hiếm gặp hơn.[2]
4. Thương tổn niêm mạc
Thường gặp ở niêm mạc quy đầu. Đó là những vết màu hồng, không thâm nhiễm, giới hạn rõ, ít hoặc không có vảy, tiến triển mạn tính. Ở lưỡi thương tổn giống hình bản đồ hoặc viêm lưỡi phì đại tróc vảy. Ở mắt biểu hiện viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm mí mắt.[2]
Những đối tượng có nguy cơ cao bị vảy nến
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy vảy nến có liên quan đến một số gen trong cơ thể. Điều này có nghĩa nếu trong gia đình có người bị bệnh vảy nến thì các thành viên còn lại cũng tăng nguy cơ mắc bệnh.[5]
Ngoài ra, một số tác nhân liên quan đến lối sống và môi trường khác cũng có thể kích hoạt các đợt bùng phát bệnh như:[6]
- Stress.
- Tổn thương da, côn trùng đốt.
- Uống rượu bia.
- Hút thuốc lá.
- Thời tiết khô, lạnh.
- Nhiễm trùng: viêm họng, viêm tai, viêm phế quản,…
- Một số thuốc điều trị bệnh khác.
Bệnh vảy nến có nguy hiểm không?
Vảy nến thường không nguy hiểm đến tính mạng, ngoại trừ trường hợp bệnh vảy nến toàn thân, đây là thể bệnh ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và có thể dẫn đến tình trạng bệnh nặng.[4]
Bên cạnh đó, người bệnh có nguy cơ cao mắc một số bệnh liên quan, như: bệnh tim mạch, trầm cảm, các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, các bệnh chuyển hóa như đái tháo đường.[4]
Một số biến chứng của bệnh có thể kể đến như:[2]
- Bệnh diễn biến lâu ngày có thể gây chàm hóa, lichen hoá, bội nhiễm. Ung thư da hiếm gặp.
- Đỏ da toàn thân.
- Vảy nến thể khớp có thể làm biến dạng khớp, cứng khớp, nhất là cột sống.
Chẩn đoán vảy nến như thế nào?
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ cần thăm khám toàn diện các tổn thương của người bệnh, sử dụng các phương pháp để phân biệt với các bệnh da liễu hoặc bệnh về khớp khác. Nếu thương tổn không rõ ràng, bác sĩ cũng cần chỉ định các xét nghiệm lấy mẫu mô tổn thương hoặc xét nghiệm máu để có chẩn đoán chính xác hơn.[2]
Cách trị vảy nến
Hiện nay chưa có phương pháp nào có thể chữa dứt điểm bệnh vảy nến. Mục tiêu điều trị hiện tại nhằm duy trì sự ổn định của bệnh, kéo dài giai đoạn sạch triệu chứng và hạn chế các đợt bùng phát, cải thiện chất lượng sống của người bệnh.[2]
Các phương pháp điều trị vảy nến hiện tại bao gồm các loại thuốc bôi da, liệu pháp ánh sáng, các thuốc uống tác động toàn thân và thuốc tiêm sinh học. Tuân thủ điều trị theo chỉ định và thực hành lối sống lành mạnh đã cho thấy có hiệu quả tốt trong kiểm soát bệnh ở người mắc vảy nến.[2]
Phòng ngừa các đợt bùng phát bệnh vảy nến
Để kiểm soát tốt vảy nến, người bệnh và người thân cần:
- Tìm hiểu và tránh các yếu tố khởi phát hoặc làm nặng hơn tình trạng bệnh.
- Tuân thủ chế độ chăm sóc da vảy nến: sử dụng dưỡng ẩm, hạn chế cào gãi,…
- Có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Tái khám thường xuyên và đều đặn để giúp kiểm soát và giúp phát hiện sớm các bệnh đồng mắc như viêm khớp vảy nến hay đái tháo đường,…
Một số câu hỏi thường gặp
1. Bệnh vảy nến có ngứa không?
Có khoảng 72% các trường hợp bệnh vảy nến có biểu hiện ngứa kèm theo.[1]
2. Bệnh vảy nến có tự khỏi không?
Vảy nến là bệnh viêm mạn tính, biểu hiện bởi các đợt xen kẽ của giai đoạn “sạch bệnh” và các đợt bùng phát. Bệnh không thể tự khỏi cũng như hiện tại chưa có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm bệnh.
3. Bệnh vảy nến có lây qua đường máu không?
Bệnh không lây qua đường máu hay bất kì các tiếp xúc cơ thể nào khác.
4. Bệnh vảy nến có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Vảy nến không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Vảy nến thai kỳ cũng không tác động đến tỷ lệ sảy thai, dị tật bẩm sinh hoặc sinh non. Tuy nhiên, bạn nên trao đổi với bác sĩ điều trị trước khi có ý định mang thai vì một số loại thuốc có chống chỉ định trên phụ nữ có thai.
Có thể thấy, vảy nến là bệnh viêm da mạn tính, thường kéo dài suốt đời và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, cuộc sống của người bệnh.
Khi có dấu hiệu của bệnh, cần liên hệ y bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được thăm khám, chẩn đoán sớm, giúp cho việc kiểm soát bệnh đạt hiệu quả tối ưu.
VN2310265138
Bài viết có liên quan: